TheGioiQuanhTa WashingtonDC MapMáy bay đáp xuống phi trường Washington Dulles International Airport vào buổi sáng sớm của một ngày đầu tháng tư. Người đứng đón chúng tôi tại phi trường là anh họ của tôi. Anh đến thủ đô Washington, D.C. vào thuở đầu tiên của những năm 75, anh đã yêu ngay thành phố này và ở lại đây cho đến nay.

Kỳ này tới Washington, D.C. không phải chỉ đi thăm cảnh mà còn thăm người. Gặp lại anh, tôi rất mừng, vì tôi và anh đã có chung với nhau một quãng dài tuổi thơ ấu, nên mỗi lần gặp, chúng tôi hay ngồi nhắc lại những ngày tháng khi còn ở quê nhà. Câu chuyện thường bắt đầu từ những ngày tận còn ở ngoài Bắc giá lạnh, kéo dài đến lúc vào Nam nóng ấm và rồi cuối cùng bao giờ chúng tôi cũng đều than một câu “thời gian trôi quá nhanh“. Thời gian là thứ vô tình, qua đi rất nhanh, không chờ không đợi. Mới ngày nào đây thôi, anh và tôi, còn chụm hai mái đầu xanh kể cho nhau nghe những mơ ước cho tương lai mà hôm nay gặp nhau đây ngồi đếm tóc bạc nhắc chuyện xưa tích cũ.

 

Washington, D.C - Thủ đô của lịch sử

Sáng hôm sau anh chở chúng tôi đi xem thủ đô của Hoa Kỳ. Thành phố Washington, D.C mang tên vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington (1732-1799), còn có cái tên Hán Việt rất mỹ miều là Hoa Thịnh Đốn và chữ D.C. viết tắt từ District of Columbia, có nghĩa là Đặc Khu Columbia, để tránh nhầm lẫn với tiểu bang Washington ở miền Tây nước Mỹ. Có một câu chuyện lý thú trong thời đại Internet, trong một lớp học cô giáo hỏi học trò chữ D.C. của Washington nghĩa là gì? Một cậu học trò láu táu giơ tay lên thưa là Washington, Dot Com. Có lẽ cậu muốn biến thủ đô này thành ra một thứ World Wide Web (WWW) cho phù hợp với thời đại văn minh.

Washington, D.C. được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790 bên bờ sông Potomac. Chính phủ Hoa Kỳ hồi ấy đã lấy một chút của Virginia, một chút của Maryland để gp lại tạo thành cái dẻo đất hình vuông không quá 16 km chiều ngang lẫn chiều dài (10 miles x 10 miles). Về sau này phải trả lại Arlington cho Virginia nên thành phố từ vuông vức thành ra vuông hơi méo. Với diện tích 16 km x 16 km không phải là lớn và với khoảng 600 ngàn dân cư không phải là nhiều, đã tạo nên  cái cảm giác ban đầu là Washington, D.C bé tí teo nằm trong một quốc gia khổng lồ về địa lý, dân số, chính trị lẫn kinh tế. Tuy bé nhưng Washington, D.C. lại đứng độc lập không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào và có gần đủ các quyền lực chính trị như một tiểu bang lớn, về hành chánh được đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Quốc hội. Thành phố này còn có một biệt danh nữa là “Chocolate city“,nguyên nhân là vào những thập niên 1950-1960 người dân da đen tràn về đây sinh sống, đã biến Washington, D.C từ màu trắng ra cà phê sữa. Dân da màu, người Mỹ gốc châu Phi, trở thành đa số và dân da trắng xuống thành thiểu số. Năm 1973, quốc hội cho phép Đặc khu Columbia bầu lên một thị trưởng và một hội đồng thành phố. Hai năm sau (năm 1975), Walter Washington trở thành thị trưởng đầu tiên do dân bầu và ông cũng là thị trưởng da đen đầu tiên.

Tới thăm Washington, D.C. cũng nên một lần rảo bước chân trên công viên The National Mall. Chưa đặt chân lên The National Mall thì coi như vẫn chưa tới Washington, D.C.. Bởi vì đây là trái tim của thủ đô, được xây dựng 200 năm trước,có chiều dài 4,8 km, chiều rộng 500 m, ở giữa là công viên xanh mát rợi và chung quanhlà những công trình kiến trúc rất đa dạng vừa Gothic vừa hiện đại tạo nên một không gian rất tĩnh và hài hòa. Nơi đây lưu dấu rất nhiều di tich lịch sử với vô số bảo tàng viện, đài tưởng niệm cũng như những kiến trúc đồ sộ thuộc cơ quan chính quyền như điện Capitol, tòa Bạch Ốc,… Không cần đi lòng vòng cả nước Mỹ để thấy hết lịch sử nước này, nếu du khách chịu khó bỏ ít thì giờ đi thăm các bảo tàng viện, các đài tưởng niệm ở đây cũng đủ có một khái niệm về những trang lịch sử bi hùng của một dân tộc đi từ một nước thuộc địa của đế quốc Anh cho đến khi lập quốc, rồi nội chiến Nam Bắc và sau đó trở thành một cường quốc. National Mall xứng đáng là một trong 1.000 địa điểm phải tới trước khi nhắm mắt (Sách “1000 Places To See Before You Die“ của Patricia Schultz).

 

TheGioiQuanhTa WashingtonDC Capitol

Điện Capitol (Ảnh Internet)

 

Quốc hội của Hoa Kỳ, trụ sở của Lưỡng Viện, Hạ và Thượng Nghị Viện, nằm ở trung tâm điểm của thủ đô và trên một ngọn đồi tên là Capitol. Chính vì vậy tòa nhà Quốc hội được đặt tên là điện Capitol. Từ ngữ Capitol bắt nguồn từ tiếng La Tinh Capitolium là tên của một ngọn đồi ở thành phố Rom bên Ý. Nơi đây đã từng là trung tâm quyền lực của đế chế La Mã và cũng là nơi thờ thần Jupiter chúa tể của vũ trụ và là vua của mọi vị thần. Điều ấyngầm cho ta hiu tầm mức quan trọng của quyền lập pháp ra sao. Hiến pháp của Hoa kỳ dựa trên “tam quyền phân lập“, quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp là ba cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau và có trách nhiệm kiểm soát lẫn nhau. Thêm lần nữa để tô đậm thêm quyền lập pháp, từ năm 1910 có quy định ở thủ đô không một tòa nhà nào được cao quá 88m, chiều cao của điện Capitol. Cho nên Washington, D.C. lại được khoác thêm một biệt danh nữa là “thành phố lùn“ vì vắng bóng những cao ốc trọc trời mà ta thường thấy ở các thành phố khác.

Cũng nằm trên công viên The National Mall là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States) và tòa Bạch Ốc là nơi cư ngụ của Tổng thống, nơi đây mới đích thực là trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến Anh Mỹ năm 1814, tòa Bạch Ốc đã bị quân Anh đốt cháy chỉ còn trơ lại mấy bức tường đen đúa và sau đó được trùng tu lại.

Đã tới thành phố này mà không đi thăm các bảo tàng của Viện Smithsonian (The Smithsonian Institution) là điều thiếu sót. Viện có tổng cộng 18 bảo tàng và trong đó có 15 cái ở Washington, D.C.. Viện Smithsonian là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, có trên 142 triệu vật phẩm trưng bày về văn hóa, lịch sử và khoa học. Như Bảo tàng hàng không (National Air and Space Museum), Bảo tàng quốc gia lịch sử tự nhiên (National Museum of Natural History), Nhà trin lam ngh thut quc gia (National Gallery of Art) ,… nằm rải rác ở The National Mall là nơi mà du khách rất thích ghé qua. Viện Smithsonian được thành lập và được tài trợ do một người Anh James Smithson (1765 - 1829) và sau này tặng lại cho nước Mỹ. Điều khá đặc biệt là ông Smithson chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ mà vẫn tặng hết gia tài cho đất nước này.

 TheGioiQuanhTa WashingtonDC Washington

Đài tưởng niệm Washington (Ảnh tác giả)

Ở đầu của công viên là điện Capitol, ở cuối là đài tưởng niệm Lincoln và ở giữa là đài tưởng niệm Washington màu trắng cao vút lên trời xanh. Đài tưởng niệm Washington, mà người Việt ở đây thường gọi là tháp bút chì, được xây dựng từ năm 1848 để vinh danh George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Mặc dù tổ tiên ông đến từ nước Anh, nhưng ông vẫn cầm quân đánh đuổi quân đội Anh và giành lại độc lập cho nước Mỹ. Ông đã trở thành một nhân vật biểu tượng của các phong trào giành độc lập trên thế giới. Trong cương vị Tổng thống, ông đã tạo lên một nền móng vững chắc cho nền cộng hòa son trẻ Mỹ và thành công trong việc liên kết các tiểu bang trong công cuộc xây dựng chung đất nước. Ông nói người Mỹ phải xóa bỏ đi tất cả những ràng buộc có tính cách địa phương để hướng chung về tổ quốc.

 

TheGioiQuanhTa WashingtonDC Lincoln

Đài tưởng niệm Lincoln (Ảnh tác giả)

Đài tưởng niệm Lincoln được xây từ năm 1914. Abraham Lincoln (1809 -1865) là Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông là người có công trong việc giải phóng dân nô lệ da đen. Năm 1862, ông ra bản “Tuyên Ngôn Giải phóng Nô Lệ“. Đây là một tuyên ngôn rất quan trọng để xác định xóa bỏ chế độ nô lệ là một mục tiêu chiến đấu của quân đội miền Bắc. Ông đuợc coi như một vị Tổng thống có những hành vi cư xử khôn ngoan. Sau khi chiến thắng Nam quân thay vì trả thù, ông đã đưa ra chính sách hòa giải, xóa bỏ hận thù giữa Nam Bắc.

                                                                                                                                                     

 

TheGioiQuanhTa WashingtonDC Jefferson

Đài tưởng niệm Jefferson (Ảnh tác giả)

 

Nằm ở phía nam tháp bút chì là đài tưởng niệm Jefferson. Tượng đài trông thật hùng vĩ với những cột đá cẩm thạch cao lớn bao quanh và rất đẹp vì nằm bên bờ hồ Tidal Basin, từ trên cao có thể nhìn thấy hàng cây hoa anh đào trổ bông. Thomas Jefferson (1743-1826), Tổng thống thứ 3 nước Mỹ, ông là tác giả của “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập“, ra ngày 4 tháng 7 năm 1776. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất mà nhiều quốc gia đã phải sao chép lại. Bản tuyên ngôn xác nhận quyền bất khả xâm phạm con người, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Một bản văn tuyệt vời trong thời điểm con người còn quá nhiều mơ hồ về nhân quyền.

 

TheGioiQuanhTa WashingtonDC MartinLutherKing

Đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King (Ảnh tác giả)

 

Dạo bờ hồ Tidal Basin ta sẽ gặp đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King (1929 -1968), khánh thành năm 2011. Ông là người tranh đấu cho dân quyền da màu, được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1964. Cách đây trên 50 năm ông đã tuần hành cùng với 250.000 người ở thủ đô nước Mỹ và đọc một bài diễn văn để đời “Tôi có một giấc mơ“ (I have a Dream) là có được cuộc sống bình đẳng với mọi người. Mục sư Martin Luther King bị ám sát bằng súng năm 1968. Ông là người chủ trương tranh đấu bất bạo động.

Trong công viên còn có đài tưởng niệm chiến tranh từ thế giới thứ nhất, thứ hai, Triều Tiên đến Việt Nam. Nhưng có lẽ gây xúc động nhất là khu tưởng niệm cuộc chiến ở Việt Nam. Một bức tường bằng đá đen, có khắc ghi tên của 58.209 người Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến này.

 

Hoa anh đào cái đẹp của hội tụ

Năm 1912 thị trưởng Tokyo là Yukio Ozaki gởi tặng 3 nghìn cây cho thành phố Washington, D.C. Và từ đó cứ mỗi năm vào cuối tháng ba đầu tháng tư, hoa anh đào trổ bông nở rộ theo dòng sông Potomac và bên bờ hồ Tidal Basin. Ngày anh đào nở những cánh hoa trắng hồng rực rỡ cũng là lúc bắt đầu lễ hội anh đào tại thủ đô. Du khách từ mọi ngã đổ về đây và thành phố thì “dập dìu tài tử giai nhân“ xem hoa ngắm cảnh.

Hoa anh đào, tiếng Nhật gọi là Sakura, không đẹp rực rỡ, không ngào ngạt hương thơm nhưng có cái vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ nhàng, mong manh như gió thoảng. Cái đẹp đó không đứng được một mình, mà chỉ đẹp khi chung nhau nở rộ như những đám mây hoa trắng hồng. Biểu tượng đó như là một thông điệp gởi cho ta, hoa cũng như sức mạnh của một dân tộc không thể đứng vững một mình, muốn đẹp, muốn hùng mạnh phải biết hội tụ.

 

TheGioiQuanhTa WashingtonDC TidalBasin

    Hoa anh đào bên bờ hồ Tidal Basin (Ảnh tác giả)

 

Hoa anh đào từ khi nở cho đến khi tàn thường không lâu, chỉ độ một tuần hoa sẽ nhè nhẹ lìa cành, không tiếc nuối, không bám víu vào thân cây. Người Nhật thường ví hoa anh đào như tinh thần người Võ Sĩ Samurai, sống rất đẹp mà chết cũng rất đẹp. Hoa cũng tượng trưng cho sự ngắn ngủi, phù du của kiếp nhân sinh. Mỗi lần nhìn hoa anh đào tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong truyện Kiều:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Mà thi hào Nguyền Du đã chuyển ra tiếng Việt từ bài thơ chữ Hán “ Đề Đô Thành Nam Trang “của Thôi Hộ :

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong

Có thể hoa đào của Thôi Hộ không giống như hoa anh đào Nhật ở thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng đọc hai câu thơ trên, ta cảm nhận được sâu xắc cái khái niệm của thời gian vụt qua, cái vô thường, cái không bất biến, cái không vĩnh hằng của cuộc sống. Cảnh đây nhưng người ấy đâu còn. Không gian đó nhưng không phải là thời gian đó, mọi sự đã trôi qua, mỗi tích tắc là bao nhiêu đổi thay. Hoa anh đào năm nay chắc phải khác hoa anh đào những năm tới nếu tôi còn có dịp trở lại đây.

 

Nghĩa trang quốc gia Arlington nơi gặp gỡ gỡ Nam Bắc

Mấy hôm sau, chúng tôi được ông anh họ chở đi thăm nghĩa trang quốc gia Arlington (Arlington National Cemetery). Mặc dù Arlington được trả về Virginia, nhưng tôi muốn đi lại những trang sử của cuộc nội chiến Nam Bắc, cuộc cách mạng xóa bỏ nô lệ dành lại quyền bình đẳng cho con người. Nghĩa trangđược xây dựng từ năm 1864 để đáp ứng nhu cầu cuộc nội chiến đang bùng nổ. Nghĩa trang rộng 2,53 km² có 290.000 mộ phần của các binh sĩ, sĩ quan quân đội Hoa Kỳ chết trong chiến tranh Nam Bắc, Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam. Trong nghĩa trang này còn có ngôi mộ của Tổng thống John F. Kennedy được xây năm 1967, tuy không to lớn đồ sộ nhưng rất đông du khách tới viếng thăm. Bên cạnh nơi ông nằm có mộ của vợ ông, bà Kennedy Onassis, và hai người con.

Điều đáng nói là ở đây không phải chỉ chôn binh sĩ Bắc quân mà cả Nam quân, không chỉ có mộ phần của kẻ chiến thắng mà cả của kẻ chiến bại. Đứng trên đồi Arlington tôi chợt nhớ đến Tổng thống Lincoln với bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg năm 1863, nơi Bắc quân đã đánh bại Nam quân và buộc Nam quân sau đó phải đầu hàng. Đây là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nội chiến của nước Mỹ, hai bên có số tử vong lên đến 50.000 quân sĩ. Bài diễn văn chỉ gồm có 272 chữ và kéo dài không quá 3 phút. Ông khẳng định cuộc đấu tranh để giành tự do và bình đẳng. Nhưng ông không nhắc đến những danh từ Nam Bắc, nô lệ, giải phóng, ta và thù. Ông không phân loại người chết, ông chỉ vinh danh những người lính đã nằm xuống hy sinh mạng sống của mình để cho tổ quốc được sinh tồn. Nội chiến Nam Bắc đã kéo dài 5 năm (1861-1865) và đã lấy mất đi tổng cộng gần 1 triệu sinh mạng. Tưởng chừng như vết thương chiến tranh không bao giờ hàn gắn lại được, nhưng Tổng thống Lincoln không phải chỉ là người đứng lên xóa bỏ nô lệ mà ông còn muốn đi xa hơn nữa là lấp đi hố chia cách giữa Nam và Bắc.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang có lần đi qua đây đã xúc động và làm một bài hát “Trên đồi Arlington”:

Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này
không lời hờn oán đắng cay 
Bắc Nam cùng mạch sống!
Thắng thua đều anh hùng!

("Trên đồi Arlington", nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang)

 

Thắng thua đều anh hùng, nơi đây không có biên giới của kẻ thắng người thua, không có hận thù, hờn oán đắng cay mà chỉ có mạch sống nối liền Bắc Nam. Nghĩa trang Arlington đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần hòa giải dân tộc và xóa bỏ hận thù. Chính điều đó đã khiến tôi tới đây để nhìn thấy cái sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Mỹ được thể hiện qua tinh thần đó.

 

 

Người Việt ở thủ đô Washington, D.C.

TheGioiQuanhTa WashingtonDC ThươngXaEden

Vào thế kỷ thứ 19, đã có người Việt đặt chân tới thủ đô Washington, D.C là Bùi Viện (1839-1878). Ông làm quan đời nhà Nguyễn và được vua Tự Đức cử qua Mỹ để tìm cách bang giao với nước Mỹ và nhờ Mỹ giúp để lấy lại 6 tỉnh miền Tây đã bị nước Pháp chiếm đoạt. Năm 1873, ông qua Hồng Kông, Nhật Bản rồi từ đó đáp tàu đi Mỹ. Tới Washington, D.C. năm 1874, ở lại đây một năm, ông được gặp Tổng thống Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868-1876). Vì không có quốc thư mang theo nên chính phủ Mỹ mặc dù đồng ý giúp nhưng không quyết định được. Ông trở về lại Việt Nam và một năm sau ông phụng mệnh vua Tự Đức lên đường qua Mỹ lần thứ hai. Ông trở lại Washington, D.C năm 1875, nhưng lần này tình hình đã thay đổi, Mỹ và Pháp trở lại bắt tay với nhau. Công việc bất thành, ông đành ngậm ngùi quay về quê hương [1].

 

Hiện tại người Việt sống ở Washington, D.C. khoảng 70.000 người. Đa số qua đây từ năm 1975 và bây giờ họ đã có một cuộc sống ổn định, con cái họ phần đông cũng rất thành công trong trường học cũng như ở ngoài xã hội.

Ở thủ đô Mỹ cũng có một khu phố Sài Gòn Nhỏ gọi là khu thương xá Eden với tháp và đồng hồ được thiết kế giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Nơi đây có chợ Việt Nam, nhiều quán ăn ngon, nhiều tiệm tùng nên lúc nào cũng tấp nập vui vẻ. Khu Eden đã trở thành một chỗ không phải chỉ có “Tha hương ngộ cố tri“ (Xa quê gặp bạn cũ) mà còn “Tha hương ngộ tân tri“ (Xa quê gặp bạn mới) nữa.

 

Đoạn kết của một chuyến đi

Vào tháng sáu năm 2015 trong một ngôi nhà thờ ở thành phố Charleston thuộc tiểu bang South Carolin, một người Mỹ da trắng cầm súng bắn chết chín người chỉ vì họ có một tội duy nhất là da đen. Mỗi lần nghĩ đến đó, lòng tôi chùng xuống và thấy xót xa. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg, ông đã có một lần kêu lên: “Nước Mỹ, tại sao tự do người lại tràn nước mắt“ (America, why are your libraries full of tears). Nước Mỹ tự do, phồn thịnh nhưng vẫn chảy nước mắt. Một số bất công, tệ đoan vẫn còn, trong đó có nạn kỳ thị chủng tộc vẫn chưa chấm dứt, vẫn cháy âm ỉ ở một vài nơi.

Tệ đoan thì chỗ nào cũng có, còn bất công thì nơi nào cũng thấy, nhưng có điều ở đây không phải để nhắc lại những cái xấu xa đó, mà điều muốn nhắc là lòng khoan dung độ lượng của cha, mẹ, chồng, vợ, anh, em của nạn nhân. Họ đã tha thứ cho tên sát nhân đã lấy đi vĩnh viễn người thương yêu nhất của họ. Họ đã nén nỗi đau thương tận cùng để “lấy tha thứ đáp trả hận thù“, thật là đẹp và thật là cao quý. Và nếu nhìn vào đó thì chúng ta mới thấu hiểu được con người thật của nước Mỹ.

Tôi vẫn thường có một câu hỏi, làm sao một quốc gia không thuần nhất về chủng tộc mà lại có thể đồng tâm nhất trí như thế để xây dựng một đất nước đi từ nô lệ lên cường quốc trong một thời gian ngắn ngủi mấy trăm năm. Có phải đó là nhờ sự tin tưởng tuyệt đối của người Mỹ vào những lý tưởng mà họ đã và đang theo đuổi. Tổng thống George Washington sau khi dành lại độc lập từ người Anh, cũng chỉ mong được thấy Hoa Kỳ mãi mãi là đất nước của tự do và công lý. Rồi Tổng thống Thomas Jeffersontác giả của “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập“, xác nhận quyền bất khả xâm phạm con người, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đến Tổng thống Abraham Lincoln với bản “Tuyên Ngôn Giải phóng Nô Lệ“ để khẳng định cuộc nội chiến Nam Bắc là cuộc đấu tranh để giành tự do, dân chủ và bình đẳng. Mục sư Martin Luther King cùng với hơn 250.000 người tuần hành ở Washington, D.C để nói lên một điều duy nhất “tôi có một giấc mơ“ là mọi người được sống bình đẳng với nhau. Những giấc mơ về tự do, dân chủ, công bằng đó đã kéo họ lại gần với nhau và tạo cho người Mỹ có một sức mạnh như vẻ đẹp của hoa anh đào khi hội tụ.

Tới thành phố lạ, gặp người không quen nhưng sao tôi vẫn thấy mến yêu cái thành phố vừa “bé tí“ vừa “thấp tè“ mà đầy dẫy những minh chứng của lịch sử. Nơi đây tôi đã nhận ra rất nhiều bài học của quá khứ và tôi hiểu tại sao người Mỹ lại xây nhiều đài tưởng niệm ở thủ đô của họ. Như là một sự nhắc nhở hãy học lấy những bài học của lịch sử, nếu không sẽ gặp lại sự tái diễn của lịch sử [2].

Lương Nguyên Hiền

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Wikipedia

[2]  Triết gia người Mỹ George Santayanaviết: "Those who cannot remember the past are condemned to repeat it." (tạm dịch là : Ai không nhớ/không học quá khứ sẽ nhận được sự trừng phạt bởi sự tái diễn của quá khứ)