Dharma BuiTran1Good morning các Bác, đây là năm phút Dharma Espresso.  Thưa các Bác, hai ngày rồi Thầy không nói, vì giọng Thầy không thể nào phát âm được.  Hôm nay, Thầy bắt đầu nói lại được rõ ràng chút xíu. Thầy xin nói chuyện với các Bác rằng, cái đề tài Khách và Trần cũng có nhiều lý thú lắm, bởi vì có nhiều người cũng email Thầy, có nhiều người text Thầy và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy nói thêm một chút về cái chữ Khách và Trần được không?”  Nên Thầy làm một chương trình Radio nửa giờ để nói về Khách và Trần, nhưng có lẽ có một chữ mình nên nói nhiều hơn một chút là chữ Trần, là bụi bặm.  Bụi bặm thì mình thấy rõ ràng. Mình mở cửa ra là bụi có rồi, và cửa sổ, cửa ngõ gì cũng vậy cả.  Lúc ánh sáng chiếu ra thì mình mới thấy bụi, nếu không thì mình không thấy bụi. Nhiều khi Thầy ngồi trong phòng, Thầy bật cái đèn lên, thì dưới ánh đèn, là thấy bụi chạy lăn tăn, lăn tăn.  Có nhiều khi mình dọn dẹp phòng sạch sẽ, mình bật đèn lên mới thấy bụi, còn không thì mình không thấy.   Bụi bặm tượng trưng cho cái gì các Bác biết không? Bụi bặm là tượng trưng cho cái điểm mù của mình, cái động cơ của mình, và những cái núp phía sau động cơ đó là cái bản ngã mà lúc nào nó cũng sinh ra đủ thứ chuyện cả, của mình đó Bác.  Thường thường bụi bặm đó nằm trước mặt, nhưng mà mình không bao giờ thấy cả.  Thí dụ, Bác bay qua một tiểu bang nào đó.  Tới nơi, có người hẹn Bác là sẽ đón Bác. Nhưng khi người ta tới trễ thì mình thấy rõ ràng là mình lẫy, mình giận, mình tức vô cùng. Nhưng mình không nói được, tại vì đó là tiểu bang của người bạn mình đi thăm mà.  Nhưng người ta đón mình trễ quá, bắt mình ngồi chờ một, hai tiếng đồng hồ, thí dụ như vậy.  Mình tức, mình lẫy mà mình không nói được và mình phải làm lơ.  Cái chuyện đó là mình gọi là bụi bặm, là điểm mù. Mình không biết là mình lẫy, mình tức.  Hoặc nhiều khi mình có những cái mặc cảm rất thâm sâu, mặc cảm tội lỗi đó Bác.  Mình làm chuyện gì sai lầm rồi thì nó ở trong lòng của mình, mình không dám nói, không dám hành động, không dám hành sự, mình sợ trong lòng.  Cái mặc cảm tội lỗi đó gọi là bụi trần. Nó ở trong người mình, ngay trước mặt mình, mà mình không thấy.  Bác hỏi: “Thưa Thầy, cái tội lỗi đó là gì?”  Thí dụ, như là Bác làm một chuyện gì đó, Bác bị người ta la một cái, thì bây giờ khi có người hỏi, “Chị, chị làm dùm cái này có được không?” thì mình né tránh. Mình không muốn làm, vì mình cảm thấy rằng mình làm sai một lần rồi, bây giờ mình không muốn làm nữa; nhưng khi người ta hỏi thì mình không trả lời được.  Thành ra có những cái nó nằm chình ình trước mặt mình, mà mình lại không chấp nhận, mình không thấy.  Mình gọi là vi tế vì mình không thấy. Gọi là điểm mù vì nó nằm ra ngoài tầm focus của mình, mình không muốn nhận ra, mình không biết được.  Cái vi tế, cái phiền não đó là cái động cơ mà nhiều khi mình không thể nói ra được.  Nhiều khi mình làm thiện nguyện này, thiện nguyện kia, nhưng tại sao mình làm? Vì mình muốn công đức vô lượng.  Nói tới chổ này, Thầy mới thấy cảm phục nhiều người Muslim khi Thầy gặp họ bên London. Khi nói chuyện với họ,Thầy mới khám phá ra là động cơ của họ. Nhiều khi rất rõ ràng là họ làm không phải vì công đức vô lượng.  Họ không có cái quan niệm công đức vô lượng, họ không tham, mà họ nghĩ rằng cái chuyện charity là cái chuyện bình thường vô cùng; họ làm vì đó là tôn giáo của họ. Họ sống, họ lớn lên, là họ phải làm thiện nguyện thôi.  Thì cũng vậy, nhiều khi các Bác biết chuyện công đức vô lượng có động cơ rất là vi tế.  Ai hỏi, nếu người đó không phải là Phật giáo thì chưa chắc mình làm. Nếu ông Thầy chùa hỏi, nếu ông Thầy mình hỏi thì mình làm, vì mình biết đó là công đức.  Nhiều khi mình sẵn sàng cho tiền để xây chùa này nọ, nhưng mình không sẵn sàng cho tiền đi làm những chuyện khác.  Hồi xưa Thầy nhớ có người nói với Thầy, “Trời đất ơi, tiền của Tam Bảo mà mình cho chúng sinh ăn? Không được, không được cho chúng sinh ăn tiền Tam Bảo”.  Thưa Bác, quan niệm đó hơi sai lầm, vì Tam Bảo nó không ăn tiền gì cả, mà mình cúng dường chùa để chùa đi làm việc thiện, vì chúng sinh là Phật sẽ trở thành trong tương lai mà.  Nhưng có nhiều quan niệm vi tế lắm các Bác ơi.  Nhiều khi những người xung quanh tạo ra cho mình, cái quan niệm đó tạo ra cho mình cái sự suy nghĩ là, mình phải sợ hãi, phải uốn mình theo những ý kiến của tập thể, của người khác, và nhiều khi nó đi lệch lạc vô cùng.  Những cái đó vi tế, bởi vì nó nằm ngay trước mắt mình, nó không nằm sau lưng mình.  Nhưng mà chỉ khi nào mình trở thành ánh sáng, mình chiếu soi thì mình mới không bị kẹt; còn không thì lúc nào mình cũng bị kẹt một cách kinh khủng luôn, là mình không dám nhìn nó.  Thì cách để tu cái chữ Trần là gì? Là mình nhìn ra được cái động cơ của mình, mình nhìn thấy cái điểm mù của mình, mình nhìn thấy cái bản ngã của mình. Cái bản ngã mình là cái “tôi” của mình, là cái mặt của mình. Mình làm vì cái mặt của mình.  Những cái đó là không phải là Khách đâu, vi tế lắm, nó nằm chình ình đó, nó không chịu đi đâu cả, thì mình chỉ lấy ánh sáng mình chiếu soi, để cho từ từ những hột bụi đó từ từ, nó sẽ lắng xuống, lắng xuống.  Mình nhìn theo cái sự lắng xuống đó. Mình thấy cái “tôi” chạy theo cái mặt của mình, lúc nào cũng muốn cái mặt đàng hoàng, lúc nào cũng theo cái danh, rớt xuống.  Có nhiều người coi cái thể diện của họ nặng nề lắm. Ai mà mắng họ một lần, làm mất thể diện họ, là họ ghét suốt đời luôn.  Bây giờ mình hãy để cho cái lòng bảo vệ thể diện từ từ rớt xuống, lắng xuống.  Và mình nhìn tất cả mọi chuyện như bụi bặm rớt xuống, mình nhìn tất cả mọi chuyện trong lòng, những kinh nghiệm sống, từ từ lắng xuống, như bụi lắng xuống thôi.  Mà đó là cả một công phu tu hành đó Bác, không phải chuyện bình thường. Nhưng thôi, đây là năm phút Dharma Espresso để các Bác wake up, bây giờ chỉ còn một phút để nói các Bác rằng Houston vẫn còn đang cần rất nhiều sự trợ lực của tất cả các Bác. Mình nên tiếp tục cầu nguyện, hồi hướng cho Houston, cũng như những vùng Dalas, Austin, những vùng xung quanh ở Texas cho được an bình.  Có nhiều hình, Thầy thấy lụt lội quá, nhà cửa quá lụt rồi. Chắc chắn là mình sẽ cần giúp những người anh em đang bị lụt lội, nhà cửa hư hao đó.  Mình chắc chắn sẽ giúp những người đó.  Và nếu các Bác trong vùng Houston, thì hy vọng các Bác hãy vững tâm tiếp tục để chiến đấu với cái cơn bão này.  Anh em mình bên ngoài, mình không những gửi lời cầu nguyện, mà nếu mình có cách gì giúp sức, thì mình cũng nên giúp sức, để làm cho các Bác vơi đi nhiều sự khó khăn.  Và xin các Bác nào có những sự khó khăn, đừng ngại viết thơ cho Thầy, viết thơ cho anh em mình để biết sự khó khăn của mình, nhà cửa mình như thế nào đó, để cho mình có thể có cơ hội giúp. Không những là mình góp lời cầu nguyện thôi, mà bất kỳ sức lực, vật chất, cái gì mà mình giúp được cho những nạn nhân lụt lội đó, thì mình đều giúp hết lòng cả.

Chúc các Bác có một ngày yên lành.  Namaste.

Thầy Hằng Trường thuyết giảng

(Nhóm Đánh Máy và Phiên Dịch Hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện)